Hello world!

•May 14, 2009 • 2 Comments

Welcome to WordPress.com. This is your first post. Edit or delete it and start blogging!

Bài cũ cóp lại

•April 20, 2009 • 3 Comments

Nhớ Sài Gòn nên post một bài vào tháng 11 năm ngoái, mà lúc viết cứ có cảm giác như để tặng Sài Gòn. Tiện đây tự hỏi sao nhiều người lại phải “yêu ghét phân minh” giữa Hà Nội và Sài Gòn. Với Trang the Ridiculous thì cả hai thành phố đều đáng yêu cả, đáng yêu trong sự khác biệt và tương đồng. “In my life, I love them all.”


Còn về cái bài viết dưới đây thì thật chán là đến giờ phút này vẫn không viết được tên đầy đủ của các nhân vật – mà mình thì chúa ghét cái trò để tên tắt kiểu anh A. chị X. v.v.


+++++++


Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975


“Báo chí SG cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy cổ lắm, “xe nhà binh”, “tư thất”, “tư gia”… Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không bị lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, hầu hết các báo không sống nhờ quảng cáo mà nhờ độc giả” – một nhà báo của SG trước 1975 nhớ lại.


Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y. chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in.


Và rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng Anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ “golfer” này phải thay bằng “tay gôn”, “gôn thủ” mới là tiếng Việt. Từ “super star” này thay bằng “siêu sao”. Từ “computer” này nữa, sao không viết là “máy vi tính”?


“Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” – ông Y. nói. “Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu “ba rọi” như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay”.


Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. Ông học ĐH Văn khoa Sài Gòn, ban Anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên “kiêm” sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.


Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.


Sinh ngữ thành tử ngữ


T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v.


Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều “từ vựng”: hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.


Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi.


Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: “Tờ Nữu Ước Thời Báo loan tin…”.


Thông tín viên và phóng viên


Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng “thông tín viên” (correspondent).


Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng “xe cán chó, chó cắn xe”… để bán cho các báo.


Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt.


Ông Y. nhớ lại: “Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền.
Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút sách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông chủ bút là giàu thôi”.


Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo “cưng” lắm.


Bản thân ông Y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như “Nam Ngãi Bình Phú” (Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc.


“Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. Phóng viên bản xứ thì không thế”.


Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick Út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.


Báo Sài Gòn cũ – mỗi tờ mỗi vẻ


Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin Sáng (chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm 2007 tại TP HCM), Điện Tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi “Tổng thống Thiệu” là “Tổng thống Thẹo”, “Sáu Thẹo”, hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là “Ông già tủ lạnh”, chẳng biết sợ.


Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục “Tin vịt nghe qua rồi bỏ” trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích.


Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc “thành phần thứ ba”, “đường lối thứ ba” – kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối.


Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.


Dĩ nhiên là không thiếu cả những “lá cải” xanh xanh, chuyên đăng tin “xe cán chó”, đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo “4T”. Và không thể không kể tới một thứ “đặc sản” của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).


Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long…


Ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: “Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm”.


Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. Ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính Luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị – xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.


Và những nỗi thất vọng


Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông Y. thì báo “thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân”.


Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. Phóng viên ngớ người cả loạt.


Ông Y. thở dài: “Thấy mà ngán. Rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi”.


Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.


Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.


Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục “cuộc chiến chống cộng” mệt mỏi và vô vọng.


Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều. Về phần mình, ông Y. nghỉ viết báo đã lâu. Phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. “Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn”.


Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. Phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.

Tóm lược hội thảo khai thác bauxite Tây Nguyên

•April 11, 2009 • 12 Comments

Truyền thống của làng báo điện tử Việt Nam là bài nếu có cái sai nhỏ thì len lén vào sửa, có cái sai lớn thì rút xuống phi tang. Nay Trang the Ridiculous xin phép giẫm đạp lên truyền thống: không sửa, để nguyên các lỗi và khuyến cáo bạn đọc thận trọng với đoạn có gạch dưới.

Cảm ơn chị Lilia đã nhắc nhở. Tiếc là em không có thời gian để làm một entry chi tiết về tranh cãi Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy và một entry nghiêm túc về hội thảo bauxite hôm 9/4 vừa rồi.

+++++++

Kể ra cũng thú vị khi chứng kiến những cuộc tranh luận dữ dội như vụ Trương Nhân Tuấn vs. Dương Danh Huy (về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông), Trịnh Cung vs Trịnh Công Sơn và các độc giả vs nhau, hoặc bên ủng hộ và bên chống các dự án bauxite ở Tây Nguyên.


Sẽ rất ngạo mạn nếu tôi nói rằng các cuộc tranh luận tuy có rất nhiều ý kiến và các bài viết, tham luận dài dằng dặc, nhưng đều có thể được tóm tắt lại chỉ trong một số ý chính khá… đơn giản (nhưng ra phán quyết ai đúng ai sai, giải pháp cuối cùng v.v. thì lại không đơn giản).


Vụ Trương Nhân Tuấn đả Dương Danh Huy (từ “đả” ở đây không hàm ý xấu, tôi dùng chỉ vì nó là một từ ngắn) chẳng hạn. Tranh cãi quyết liệt, người này bảo người kia thỏa hiệp (thậm chí nặng hơn – gián điệp Tàu), hoặc sai lầm trên phương diện khoa học… Tôi không hiểu mình có nhầm không – cái óc nặng nề ấy phải lâu mới nhớ ra và lâu mới hiểu. Nhưng vừa theo dõi vừa nghĩ thì thấy hai ông khác biệt nhau ở điểm này:


Dương Danh Huy: Việt Nam nên đề nghị vùng lãnh hải 12 hải lý quanh Hoàng Sa và quanh Trường Sa. Ít thế thôi, để còn giữ hòa khí với các nước Đông Nam Á, cùng các nước đó chống lại đối thủ lớn là Trung Quốc. Đừng tiếc. Ở đời phải biết mình là ai chứ.

Trương Nhân Tuấn: Việt Nam dứt khoát phải có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh Hoàng Sa và Trường Sa, để mất vào tay Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, coi như mất cả chủ quyền trên Biển Đông. Không lùi bước, không có mặc cả gì cả, biết Trung Quốc thế nào mà thỏa hiệp; hay là muốn bán nước à?


Về mặt luật quốc tế, 12 hải lý hay 200 hải lý là đúng thì tùy định nghĩa về HS – TS, là đá hay là đảo. Chỗ này luật quốc tế lại không quy định rõ ràng, cụ thể nên giải thích kiểu gì cũng được; HS – TS là đá mà cũng có thể là đảo… Vậy vấn đề chốt lại chỉ là phản ứng của Trung Quốc và khu vực sẽ thế nào với các đòi hỏi của VN, và cách ứng xử với Trung Quốc nên ra sao… Nhưng cái này thì ai mà biết! Có khi Trung Quốc và cả khu vực sẽ lồng lên, bảo Việt Nam tham lam, rồi căng thẳng gia tăng, tranh chấp mãi không bên nào nhịn bên nào. Có khi Trung Quốc sẽ nhún vì thấy đuối lý hoặc vì “mềm nắn rắn buông”. Chịu, không đoán được.


Vụ bauxite Tây Nguyên cũng vậy. Hội thảo 9/4 tại khách sạn lớn Melia Hà Nội được xem như sự kiện lịch sử – hình như đây là lần đầu tiên từ năm 1975 có phản biện, chất vấn công khai giữa các nhà khoa học và nhà đầu tư dự án (mà đứng sau lưng là chính quyền), đại biểu ngồi nghe ai cũng cho mình là đúng, và rất chăm chú, không ai bỏ về trước (như đa số hội thảo khác).


Tuy nhiên toàn cuộc tranh luận kéo dài từ 8h30 sáng đến 6h30 tối này, theo thiển ý của ngu Trang the Ridiculous, cũng có thể được tóm tắt lại như sau:

Bên phản đối dự án nêu các lý do môi trường, quốc phòng, hiệu quả kinh tế… để đề nghị stop dự án. Bên ủng hộ (nhà đầu tư + chính quyền TW và địa phương) đáp (cực kỳ thành khẩn): Vâng, vâng, chúng tôi biết, chúng tôi xin tiếp thu hết các ý kiến tâm huyết và xác đáng của các nhà khoa học. Chúng tôi cam kết sẽ không để những rủi ro đó xảy ra. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm xã hội chứ, các vị yên tâm. Chúng tôi hứa. Chúng tôi thề.


Kiểu như, bên khoa học bảo: Dự án này gây ô nhiễm môi trường!

Bên đầu tư trả lời: Vâng, đúng là có gây ô nhiễm. Nhưng công nghệ hiện giờ cho phép xử lý ô nhiễm. Chúng tôi xin cam đoan sẽ sử dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường.


Bên khoa học: Dự án này lôi kéo bao nhiêu người Trung Quốc vào Việt Nam, nguy hiểm lắm, hại an ninh quốc phòng lắm.

Bên đầu tư: Vâng, vâng. Chúng tôi sẽ hạn chế số người Trung Quốc vào Việt Nam. Và quả thật là cho đến giờ cũng mới có 500 người Trung Quốc tới Tây Nguyên để làm công tác giám sát dự án thôi mà, có làm gì đâu. Sau này chúng tôi sẽ đào tạo dân địa phương làm việc (mà cũng đang đào tạo rồi đấy), không tuyển người Trung Quốc đâu ạ.


Bên khoa học: Hiệu quả kinh tế của dự án thấp!

Bên đầu tư: Vâng, đúng là trước kia, theo tính toán của chúng tôi, hiệu quả kinh
tế cao hơn. Nhưng tính toán xong thì lại có khủng hoảng kinh tế
(đời nó lại chó thế chứ! – Trang the Ridiculous), vậy nên hiệu quả chắc sẽ giảm – giảm bao nhiêu thì chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh lại và sẽ công khai!


(Chỗ này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói một câu mà tôi thấy rất dân dã và đi vào lòng người: “Anh San (ông Phạm Bích San, đại diện VUSTA) có nói là hiệu quả kinh tế của dự án thấp. Vâng, đúng. Thấp thôi, chỉ thấp thôi, chứ lại như các đồng chí nào đó bảo là lỗ thì buồn quá! Làm dự án mà lại để lỗ thì buồn quá!”).


* * *


Nhà đầu tư (Tập đoàn Than – Khoáng sản VN, TKV) đã chuẩn bị rất kỹ các luận điểm luận cứ để khẳng định rằng họ sẽ cư xử rất có trách nhiệm với đất nước, với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của vùng… Sẽ không để ai nghèo đói, không để môi trường bị tàn phá, không để văn hóa vùng bị mai một, không để an ninh quốc phòng bị đe dọa. Những gì các chuyên gia của TKV trình bày đều hợp lý, khoa học. Chưa kể nhiều chỗ chắc chắn là họ – những người trong ngành khoáng sản – hiểu hơn tất cả mọi chuyên gia thuộc các ngành khác, lý lẽ họ đưa ra chắc chắn chặt chẽ hơn.


Nhưng ở đây chỉ nổi lên 2 vấn đề:


1/ TKV là một doanh nghiệp. Vậy thì, chính phủ và TKV ơi, xin hãy đặt chức năng làm ra lợi nhuận của doanh nghiệp lên hàng đầu, còn chuyện trách nhiệm xã hội thì để sau đi. Ai cần TKV hy sinh tiền của đầu tư cho dự án bauxite, mà chỉ để phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. TKV cứ lo việc làm ra lợi nhuận cho mình đi đã.


2/ TKV hứa sẽ làm tất cả để xã hội yên tâm về dự án: nhập công nghệ tốt, đào tạo nhân lực địa phương tốt, giám sát nhà thầu Trung Quốc thật cẩn thận, tóm lại là sẽ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng v.v.

Nhưng, nếu TKV không thực hiện được như thế thì sao nhỉ?


Giá như có một điều luật nào đó (hay một cái gì tương tự) nói rằng: OK, cứ triển khai đi, nhưng nếu TKV không làm được như cam kết, thì lãnh đạo TKV bị xử bắn, nhân viên TKV bị bỏ tù v.v. Thì chắc là sẽ chẳng có chuyện “Chúng tôi hứa, xin Đảng, Nhà nước và Nhân dân cứ an tâm” đâu. Khéo lại chả còn dự án nào nữa ấy chứ.


Tóm lại, xin được khái quát hóa vụ tranh luận về bauxite hôm 9/4 vừa rồi như thế này: A và B bất đồng ý kiến. A bảo B làm việc ấy, việc ấy sẽ đi vào sai lầm. B xin tiếp thu và hứa sẽ làm mọi cách để sai lầm không xảy ra. A hết nói.


+++++++


Kết: Trang the Ridiculous không bảo là A đúng B sai hay ngược lại đâu nhé, chỉ khái quát hóa, giản lược hóa cuộc tranh luận như vậy thôi. Còn A, B đúng sai thế nào, tương lai sẽ trả lời.


Dù vậy, nói nhỏ với các bạn, theo thiển ý của ngu Trang thì… khó mà tin ở trình độ quản lý, giám sát và công nghệ của nhà mình lắm, hẹ hẹ. Tuy nhiên, sau này nếu có chuyện gì xảy ra, chúng ta cũng sẽ không được biết đâu, nên khuất mắt trông coi, ta cứ yên tâm.


Còn các thế hệ sau ta phải tự lo đời chúng nó chứ. “Trẫm chết rồi, đời sau thế nào thì mặc” (Louis XIV).

Phim hành động: Nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi toàn quốc viết về biển, đảo VN

•April 2, 2009 • 10 Comments

(Chép nguyên xi từ thông cáo báo chí) Cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Việt Nam” do Ban Tuyên giáo TW, lần đầu tiên khởi xướng, với thành phần Ban tổ chức gồm Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Quảng Ninh, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo Tiền Phong, được chính thức phát động tại Hà Nội ngày 30 tháng 3 năm 2009.


Tham dự và chủ trì cuộc họp báo có ông Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo TW, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức; ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng ban thường trực; các vị lãnh đạo các Bộ, ngành; đại diện hơn 60 cơ quan báo đài TW và địa phương (gớm, làm gì đến, các bác cứ đỗ tương lên quá thể) đã đến dự và đưa tin cùng đông đảo khán thính giả quan tâm tới Cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Việt Nam” đã đến dự. (Câu này lủng củng nhưng xin chép nguyên để tỏ sự trung thành với tinh thần bản gốc).


Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Duy Quát nhấn mạnh:

– Các thế lực thù địch là nó chống phá ta gớm, gớm lắm các đồng chí ạ. Tôi có tổ chức đối thoại với các sinh viên tham gia cái cuộc, cái cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007. Tôi có hỏi: Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị. Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại???

Cho nên là, các đồng chí ạ, cái quán triệt cái tư tưởng là phải rất sâu sắc. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương là phải rất sâu sắc…


Ông Quát phát biểu độ 45 phút nhưng tôi không ghi âm thêm nữa vì sợ máy hết pin, đại khái là như vậy.


Từ hôm ấy không khí viết lách về Biển Đông yêu dấu, chủ quyền, quyết tâm bảo vệ chủ quyền v.v. có vẻ rộn ràng hơn thì phải. Ừ, viết thì viết chứ sợ gì. Tiền cả đấy. Cuộc thi viết sẽ có 3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Giá trị quy ra tiền mặt của các giải thì người dân vào website chính thức của cuộc thi mà xem, dangcongsan.vn.


Lim dim ngồi dưới nghe bác Quát lim dim phát biểu, chợt hình dung nếu như đây là một bộ phim hành động Mỹ, có thể một phóng viên nam nào đấy (đẹp trai, dĩ nhiên) sẽ đi thẳng lên bục, tóm cổ áo bác Quát và nói rít qua kẽ răng:

– Fuck you! Mất rồi phải không?


Bác Quát sẽ lúng túng gỡ tay anh ta:

– Mất, mất cái gì? Anh muốn gì?

– Tôi hỏi, mất hết biển hết đảo rồi phải không?

– Anh điên à? Bỏ tay ra. Công an đâu! Giữ anh này lại.


Anh nhà báo sẽ cười nhạt:

– Tôi thấy không có lý do gì để Đảng và Nhà nước cho báo chí và nhân dân viết về biển đảo Việt Nam vào lúc này. Bao nhiêu lâu nay không ai được mở miệng nói về Hoàng Sa Trường Sa Cát Vàng Cát Dài, sao bây giờ lại thoải mái thế? Chỉ có thể là đã mất hết rồi, hoặc sắp mất, vào tay Trung Quốc, nên các vị cho dân chúng nói và viết, cốt để dọn đường cho sau này có cớ mà nói: “Đấy nhá, báo chí viết rồi nhé, toàn dân tham gia hưởng ứng bảo vệ chủ quyền rồi nhá, Đảng cũng cố gắng hết sức rồi đấy, dân chủ lắm rồi đấy… mà mất vẫn hoàn mất. Đấy là tại Trung Quốc mạnh quá, ép ta quá thôi, chứ đâu phải ta không cố sức?”.


Chàng nhà báo nói đến đấy thì cả tá công an xô lại. Có xung đột. Đấm đá. Chửi rủa. Cử tọa ở dưới rú lên… Trường đoạn này trong phim hành động thường kết thúc ra sao thì xin các khán giả tự tưởng tượng tiếp nhé. Trang the Ridiculous chỉ nghĩ được đến đấy rồi gục mặt xuống bàn ngủ mất.

Entry for March 17, 2009

•March 17, 2009 • 6 Comments

“Trong đàm phán lãnh hải với Trung Quốc, nếu coi việc nghiên cứu và đưa ra các bằng chứng để xác lập chủ quyền là một mặt trận, thì đã và đang có một cuộc chiến không cân sức giữa giới nghiên cứu của hai nước, với phần thua thiệt thuộc về các học giả Việt Nam”.


Như thường lệ, tôi xin nhắc lại mẫu câu “không trách xyz được”. Người ta không thể ăn bánh mì, uống nước lã để nghiên cứu một việc không mang lại lợi nhuận nhiều và ngay lập tức. Người ta không thể yêu nước và yêu khoa học mãi. Cái niềm vui, sung sướng khi phát hiện ra nước mắm ra đời đầu tiên ở VN chứ không phải TQ, dần dần cũng phải tắt ngỏm khi giá thức ăn ở chợ lên vùn vụt và có một loạt hóa đơn tới kỳ thanh toán.


Tôi hiểu các học giả cũng ngại lắm chứ, khi phải động chạm vào vấn đề HS-TS, quan hệ Việt- Trung, tranh chấp lãnh hải. Học giả ngại là phải thôi, đến ký giả viết về lĩnh vực này còn ngại. Bởi vì, nói thật chứ, viết về HS-TS, quan hệ V-T, tranh chấp lãnh hải mệt bỏ mợ!


Phải chính xác tuyệt đối này, với dạng bài ấy một lỗi cũng không thể chấp nhận được.


Lại còn phải… khoa học này, đủ để không bị ai nói “con này tinh vi sờ ti con lợn sứ, biết đếch gì về luật biển, địa lý, cổ sử mà nói lăng nhăng, chỉ hại người đọc”.

Lại còn phải… dễ hiểu này, để ai đọc cũng hiểu, kể cả với các vấn đề như công pháp quốc tế, địa chính trị, sử học v.v.


Lại còn phải… hấp dẫn này, để ai thoáng nhìn thấy cũng phải lao vào đọc, và đọc cho kỳ hết (chứ đừng di chuột một phát xuống dưới bài rồi ấn backspace).


Lại còn phải… tế nhị, không nhạy cảm này, không động chạm này, cấm được nói thẳng những câu như “chính phủ ơi, ngươi ngu/ đểu lắm!!!”.


Lại còn phải… thẳng thắn này, không bóng gió, không ẩn dụ ẩn diếc gì cả, để ai cũng hiểu được. (Cái vụ hiểu nhầm, Trang the Ridiculous dính chưởng mấy lần rồi, phát sợ).


Lại còn phải… nhanh này, vì biết đâu chỉ ngày mai thôi là không bài nào lên được nữa.

Lại còn phải… sâu sắc này, để những người đi sau không dễ qua mặt.

Lại còn phải… nhân ái này, bảo vệ bằng được các nhân vật liên quan.


Tóm lại là mệt. Mà bài viết ra chắc gì đã được đăng? Nhà mình thì cũng chả có sổ đỏ ở HS – TS nữa. Đúng là “gái góa lo việc triều đình”.


Xem ra đòi hỏi cũng giống như khi người ta bảo “người phụ nữ tốt phải là một mệnh phụ phu nhân trong phòng khách, một đầu bếp tài ba trong phòng bếp và một con điếm hạng nhất trong phòng ngủ”.


But I am just a little woman, you know. Anyway, I’d rather stop moaning now so that you blog readers won’t feel tired.


Ma Chiến Hữu

•March 2, 2009 • 12 Comments

Gửi tác giả Vũ Hoàng Linh của bài viết “Ma chiến hữu – bản tụng ca hay khúc tưởng niệm?”


Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Bài viết của tác giả đã được đẩy lên mạng vào hồi 10h sáng thứ hai, ngày 2/3, và tới 14h30 cùng ngày đã bị dỡ bỏ.


Để tỏ lòng trân trọng đối với tác giả, chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết này trên blog (như ở dưới). Chúng tôi rất tiếc không thể làm gì hơn.


Tiếp ngay sau đây sẽ là một phần việc hứa hẹn mang lại nhiều mệt mỏi và buồn tẻ. Đó là phần QUY TRÁCH NHIỆM. Mặc dù vậy, chúng tôi xin hứa sẽ đảm bảo sự trong sạch tuyệt đối cho tác giả.


Trân trọng

++++++

Ma chiến hữu – bản tụng ca hay khúc tưởng niệm?

02/03/2009 11:29


“Một cách nghĩ khác về chiến tranh. Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng. Cuộc đối thoại giữa hai cõi âm dương, sự vướng lụy giữa con người và ma quỷ”. Đó là lời giới thiệu nằm ở bìa 4 tiểu thuyết Ma chiến hữu của nhà văn Mạc Ngôn, tác phẩm kể về số phận những người lính Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Tên sách: MA CHIẾN HỮU

Tác giả: Mạc Ngôn

Dịch giả: Trần Trung Hỷ

Phát hành: NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam

*****


Cuốn sách này nằm trong bộ sách 7 cuốn (*) của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ.


Mạc Ngôn hẳn là một cái tên không còn xa lạ với độc giả Việt Nam. Các tiểu thuyết nổi tiếng của ông như Báu vật của đời, Đàn hương hình… từng gây xôn xao trên văn đàn Việt Nam, và nằm trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thị trường. Chúng cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới cách viết và đề tài viết của các nhà văn Việt Nam.


Không có độ dày đồ sộ như Báu vật của đời và Đàn hương hình, Ma chiến hữu là một cuốn sách mỏng, chưa đầy 200 trang.


Tiểu thuyết Ma chiến hữu (dịch từ tên tiếng Trung “Chiến hữu trùng phùng”, Nhà xuất bản Dân tộc xuất bản năm 2004) kể về số phận những người lính Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.


Mở đầu tiểu thuyết là cuộc hội ngộ giữa hai cựu chiến binh Quân Giải phóng Trung Quốc nhiều năm sau chiến tranh: Triệu Kim – cũng là nhân vật kể chuyện, giữ chức Tiểu đội phó trong chiến tranh và nay là sĩ quan Quân Giải phóng, và Tiền Anh Hào – thượng sĩ trong chiến tranh, nay là một hồn ma.


Triệu Kim và Tiền Anh Hào là hai người bạn thân từ thuở nhỏ, cùng lớn lên ở một làng quê nghèo tại một tỉnh miền nam Trung Quốc, từng cùng nhập ngũ và ở chung đơn vị, từng cùng mê say một cô gái, nhưng lúc này, họ thuộc hai thế giới vừa cách biệt lại vừa hòa quyện vào nhau.


Cuốn tiểu thuyết phảng phất chất u linh như trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh: Các nhân vật người và ma gặp gỡ nhau trên cành cây, cùng uống rượu, câu cá, tán chuyện với nhau, hồi tưởng lại các kỷ niệm hồi nhỏ, và nhất là các kỷ niệm trong quân ngũ.


Thân phận người lính Quân Giải phóng Trung Quốc đi qua chiến tranh được Mạc Ngôn mô tả bi thảm, ngậm ngùi. Đó là người lính “đại anh hùng” Tiền Anh Hào sau khi thành ma: “Bộ quân phục của anh ta đã mục nát, tôi vừa chộp tay vào là nó đã rách toác trông như một loại giấy bồi bị thấm nước… Gương mặt đầy mụn sần sùi màu đỏ bầm đã kề sát mặt tôi: té ra là người cùng làng, là đồng đội của tôi, là Tiền Anh Hào, người đã hy sinh vào tháng hai năm một ngàn chin trăm bảy mươi chín trong một trận phản kích”.


Đó là Quách Kim Khố, cựu chiến binh, trở về quê cùng quẫn, cay đắng, chỉ biết đánh vợ, chửi bới, uống rượu và đập phá. Đó là Triệu Kim, cô độc sau chiến tranh, bạn bè thì kẻ chết, người như hóa dại.


“Chẳng cần người chết phải bận tâm”


Sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh này (từ phía Trung Quốc) được Mạc Ngôn mô tả rất tài tình. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Tiền Anh Hào, người làm gì cũng dễ dàng, từ ném lựu
đạn, đánh giáp lá cà cho tới “cưa gái”. Tiền Anh Hào được bạn bè dự đoán sẽ nổi bật trong chiến tranh, sẽ thành tư lệnh trong tương lai, sẽ lập nên sự nghiệp hiển hách, hùng tráng…


Nhưng kết cục của vị tráng sĩ này lại hết sức lãng xẹt. Anh ta tử trận trong trận đánh đầu tiên của mình, khi chưa lập được “chiến công” nào cho Giải phóng quân Trung Quốc. Nguyên nhân chỉ tại cái mông nhô lên quá cao của viên Tiểu đội trưởng nhát gan khiến cả tiểu đội lính Trung Quốc trở thành mồi cho pháo kích của đối phương. Ở đây như thể có một tiếng cười mỉa mai của tác giả, hay một lời than tiếc cho một cuộc chiến tranh “đầu voi đuôi chuột”, danh bất xứng nên ngôn cũng bất thuận.


Cái nhìn phê phán của Mạc Ngôn với cuộc chiến tranh tháng Hai năm 1979 còn được thể hiện qua tâm trạng đau xót của một ngàn hai trăm linh bảy hồn ma lính Trung Quốc tử trận. Đó là nỗi đau về thể xác, như lời bài thơ của một thi sĩ – tử sĩ trong quân đội Trung Quốc:


“Ai da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá,

Thân hình con đã bị đạn xuyên qua.

Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa,

Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi!”


Nhưng còn nữa là nỗi đau tinh thần, là tâm trạng bàng hoàng, cay đắng của hàng ngàn hồn ma quân sĩ từng hăm hở xông trận khi nhận ra họ chết vô nghĩa. Dẫu cho những lời huấn thị của viên chính trị viên sư đoàn có hăm hở thế nào cũng không làm khuây khỏa được tâm sự của họ.


Thêm một chi tiết đáng chú ý: Khi những người lính này chết trận, họ vẫn sinh hoạt quân ngũ như khi còn sống, và vẫn được chính trị viên chỉ đạo tư tưởng: “Không hiểu cũng chẳng sao, chuyện quốc gia đại sự không cần dân đen lo lắng, cũng chẳng cần người chết phải bận tâm”.


Có thật là “chủ nghĩa anh hùng”?


Trên lời quảng cáo ở bìa 4 bản dịch tiếng Việt của cuốn sách có nhắc tới “chủ nghĩa anh hùng”. Tôi không rõ đó là lời đề tựa của tác giả, của dịch giả, của nhà xuất bản phía Trung Quốc, hay nhà xuất bản Việt Nam.


Cũng không rõ dụng ý của Nhà Xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam là gì khi giới thiệu cho bạn đọc về “chủ nghĩa anh hùng” của những người lính nước ngoài từng tham chiến ở Việt Nam.


Dù sao đi nữa, tôi cũng không tìm thấy lời ca ngợi chủ nghĩa anh hùng trong Ma chiến hữu, chỉ tìm thấy trong đó tâm trạng rã rời, xót xa của những người lính Trung Quốc. Điều Mạc Ngôn muốn nói hẳn không phải là chủ nghĩa anh hùng mà là tình đồng đội của những người lính cùng đi qua chiến tranh, ngay cả khi cuộc chiến đó bị lột trần, trở nên vô nghĩa trong mắt họ.


Có thể nói, Ma chiến hữu là “cố gắng” hiếm thấy của Nhà xuất bản Văn học khi giới thiệu cho độc giả Việt Nam tác phẩm của một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng viết về chiến tranh biên giới 1979. Từ đó, độc giả có thể biết thêm cách nhìn của người Trung Quốc, nước láng giềng gần gũi với Việt Nam trong hơn 1000 năm qua.


Cuốn sách cũng như một lời gợi nhớ tới những sự kiện tháng Hai năm 1979, những sự kiện mà người Việt Nam chúng ta không bao giờ được lãng quên, khi có nhiều chiến sĩ và đồng bào đã nằm lại nơi biên cương Tổ quốc vì bom đạn chiến tranh.


Chỉ tiếc rằng lời gợi nhớ ấy lại đến từ một tác phẩm của nước bạn, và cho đến nay, vì nhiều lý do, người đọc Việt Nam khó lòng tìm thấy trong rừng sách xuất bản hàng năm những cuốn sách của các tác giả Việt Nam viết về cuộc chiến tranh này. Trong khi ở Trung Quốc, các nhà văn như Mạc Ngôn có thể viết về chiến tranh 1979, các cựu chiến binh có thể viết hồi ức về nó thì ở nước ta, hình như nó lại là một đề tài “nhạy cảm” nên tránh?


Gần đây, tập truyện ngắn Rồng đá của hai nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành bị thu hồi vì một số truyện bị coi là “có vấn đề”, trong đó có truyện ngắn Chú Mìn Phủ và tôi lấy bối cảnh chiến tranh biên giới 1979. Trong khi đó, tiểu thuyết Ma chiến hữu đề cập tới cùng cuộc chiến tranh đó của một tác giả Trung Quốc lại được phát hành.


Ở khía cạnh nào đó, việc không in Chú Mìn Phủ và tôi cũng có những lý do nhất định: Truyện khai thác sự ghê rợn và tàn bạo trong chiến tranh với những tình huống giật gân. Thế nhưng sự có mặt của Ma chiến hữu và sự vắng mặt của Rồng đá, hay những tiểu thuyết, hồi ký khác của Việt Nam về chiến tranh biên giới, trên các kệ sách cũng cho thấy sự bất hợp lý trong công tác xuất bản tại Việt Nam. Nên chăng có một sự đánh giá cởi mở và khách quan hơn cho các nhà văn của chúng ta?


Như lời nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói trong một bài trả lời phỏng vấn: “Sự thực phải được nói ra. Mình chỉ nói sự thực thôi. Sự thực không được nói là cắt xén lịch sử. Như vậy sẽ nguy hiểm, bất lợi cho thế hệ mai sau”.


Đừng trách nếu các thế hệ tương lai của Việt Nam thờ ơ với lịch sử dân tộc, biết về Càn Long nhiều hơn về Quang Trung, về Đặng Tiểu Bình nhiều hơn về các nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ 20.


Có gì lạ đâu khi họ biết về “tài đức” của Càn Long qua các bộ phim truyền hình được “nhập khẩu” rộng rãi, chứ không biết rằng vị vua nhà Thanh này từng gửi hơn 20 vạn quân đưa Lê Chiêu Thống về nước năm 1789. Có gì lạ đâu khi những cuốn sách ca ngợi “nhà cải cách vĩ đại Đặng Tiểu Bình” được bày bán rộng rãi nhưng các phê phán về chuyện “đối nội, đối ngoại” của nhân vật lịch sử này lại hầu như vắng bóng.


Vũ Hoàng Linh


(*) Bao gồm các cuốn: Châu chấu đỏ, Bạch Miên Hoa, Trâu thiến, Con đường nước mắt, Ma chiến hữu, Hoan lạc (tiểu thuyết – bút ký), Người tỉnh nói chuyện mộng du (tạp văn). Tất cả các cuốn này đều do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ, Công ty Văn hóa Phương Nam cùng Nhà Xuất bản Văn học liên kết phát hành.

Trò lố của năm

•December 31, 2008 • 31 Comments

Entry cuối của năm này Trang the Ridiculous xin dành để điểm lại một vài sự cố lố bịch nhất của cá nhân trong năm 2008.

Một ngày mùa đông, nhân có ít tiền trong túi quần, Trang the Ridiculous ra cửa hàng nội thất mua bộ salon. Tự biết là thẩm mỹ của mình chẳng ra cái khỉ gì nên tôi nèo một anh bạn đi cùng làm cố vấn… đại khái trông hai người cũng khá giống một cặp vợ chồng đi sắm nội thất chuẩn bị ở riêng, chỉ khác cái là ở đây cô vợ đứng đực như bị Down, chồng bảo gì nghe nấy. Bộ salon trị giá 7,5 triệu, theo thỏa thuận, tôi đặt trước 500.000 đồng, còn 7 triệu chờ khi giao hàng (một tuần sau) sẽ trả nốt.


Chiều tối, tôi phóng xe xuống Đông Kim Ngưu thăm Z81. Đang lạng lách, len lỏi thì một xe máy chở hàng từ phía trong vượt lên tạt ngang mặt. Đánh “xoảng” một cái, Trang the Ridiculous đo đường ngay lập tức. Ngồi dậy, chưa kịp rút chân ra khỏi xe thì cái túi nhét trong giỏ đã bị một bàn tay trong đám đông lao qua nhẹ nhàng nhấc mất.

Trời mùa đông tối nhanh, đường đông, mắt một thời bị cận, thêm cái đau bổ sung, tôi không tài nào nhìn ra biển số xe của chú trộm, và quả thật là cũng không có ý định làm ầm lên. “Bad luck, mate. Lấy túi phóng viên thì chả có cái mẹ gì đâu mate ạ”. Tôi đủng đỉnh đứng dậy, cám ơn những người đi đường tốt bụng dựng xe giúp nhưng vụng về đứng chắn tầm nhìn. Rồi nổ máy đi tiếp tới nhà Z81. Chỉ hơi bực mình vì đây là lần đầu tiên trong đời bị giật túi – tôi vốn có tính cẩn thận, giữ đồ đâu ra đấy, chưa bao giờ đi đâu mà để quên, đánh mất đồ hay bị lừa, bị trộm cắp v.v. Lần này, tổng thiệt hại cũng không nhiều, mất chứng minh thư và ít visiting card.


Chiều tối hôm sau là đám cưới em Bilun, toàn tòa soạn rộn rịp đi dự. Trang the Ridiculous và Bũng Ruồi đến muộn nhất. Lúc đi mới biết tầm quan trọng của cái túi: Không có chỗ để phong bì. Tôi bèn nhét phong bì vào cuốn “Hãy làm đi” của FPT Arena, ngoài bìa in hình Adam và Eva to vật. Sau thấy không ổn, sách thì đỏ rực, bìa thì hình vẽ vi phạm nghiêm trọng quy chế biểu diễn… cầm cuốn này vào đám cưới e là quá đồi trụy. Nhìn quanh quất, thấy trên bàn có cuốn “Văn hóa Doanh nghiệp”, Trang the Ridiculous liền kẹp phong bì vào sách, rồi kẹp sách vào nách, hân hoan lên taxi đi dự cưới Bilun.


Tôi đi bộ đủng đỉnh suốt từ cổng công viên Lenin vào tới nhà hàng Gió Mới bên trong.

Rồi lại đi diễu qua hàng chục bàn ăn ở sảnh tầng 1 để đến bàn mình.

Ăn xong, đi ra, rồi với cố tật “vui đâu chầu đấy”, lại nghễu nghện quay vào, lên tầng 2, ăn tiếp, nghe bà con hò hát inh ỏi.

Tay vẫn cầm khư khư cuốn “Văn hóa Doanh nghiệp”. Và chỉ cầm một cuốn sách, không có gì khác – không túi xách, không chìa khóa, không điện thoại, tóm lại là không gì cả, ngoài một cuốn sách.

Kể ra lúc bước vào sảnh, cũng có vài giây Trang the Ridiculous nóng bừng cả mặt khi thấy rất nhiều ánh mắt nhìn mình. Nhưng rồi cũng đành tảng lờ, chặc lưỡi: Mặc kệ!


Để rồi hôm sau, dư luận phản ánh với em Bilun: Này, tòa soạn bên ấy có cái bạn nào chăm đọc nhỉ, đi ăn cưới cũng cầm sách theo. Mà lại còn là sách “Văn hóa Doanh nghiệp” nữa chứ. Văn hóa doanh nghiệp có liên quan gì đến văn hóa đám cưới à?

Nghe Bilun kể lại, Trang the Ridiculous miệng thì cười hềnh hệch nhưng hai tai hình như cũng hơi đỏ. Thôi cũng may là còn được gọi là “bạn”, chứng tỏ những người đoán mình 24-25 tuổi cũng không phải là khen nịnh. Đang trò chuyện, chợt điện thoại réo lên. Đầu dây bên kia là chị bán hàng ở cửa hàng nội thất:


– Này, em là Trang phải không? Em có định đặt bộ salon nữa không đấy?

– ???

– Có cái thằng nào đến đây đòi lại 500.000 tiền đặt cọc này. Nó bảo “con vợ em nó đi đặt salon mà không hỏi ý kiến em, em không cho nó làm nữa. Chị trả lại tiền đặt cọc cho em, hủy bộ salon. Đây biên lai nhận tiền hôm trước đây, chứng minh thư của vợ em đây”.


Trang the Ridiculous tối sầm mặt lại vì tức. Ơ mẹ kiếp, bọn này định ăn cả cặn hả? Đã được túi, được chứng minh thư và visiting card, bây giờ lại muốn ăn cả 500.000 đồng đặt cọc à?

– Chị… chị bắt ngay lấy nó cho em, bắt ngay lấy nó cho em… – tôi nói líu cả lưỡi.

– Gì hả em? Ô, nó, nó chạy mất rồi em ạ. Đấy, chị nghi ngay mà. Chị hỏi: “Nó là vợ mày, sao tao thấy nó đi với thằng khác?”. Thằng ấy lúng túng, chị mới bảo để tao gọi điện cho nó. Chị cầm máy gọi cho em, thế là nó lên xe chạy mất.

Trang the Ridiculous tức tối vô cùng.


Buổi chiều, tôi bèn ra hàng sắt thửa một chiếc nắp đậy giỏ xe, có móc khóa. Lại mua thêm một chiếc khóa số con con. Từ nay tất cả túi xách, sổ, tài liệu, mũ bảo hiểm… đi đường cứ tống hết vào giỏ xe, đậy nắp rồi khóa lại, trộm nhìn chỉ có khóc thôi.


Sáng kiến tai hại. Thậm lố bịch.

Hậu quả là từ hôm đó đến nay, đi đâu, vào những lúc tôi lúi húi mở khóa để lấy đồ ra khỏi giỏ xe, luôn có ít nhất một người đứng nhìn và cười khen: “Cẩn thận thế?”, “Làm cái này hay nhỉ?”, “Sáng kiến sáng kiến”… Có hôm Z81 sốt ruột còn gắt lên: “Khổ lắm, chị không cần khóa đâu, đi vào đi cho nhanh, cẩn thận quá đi mất!”. Tóm lại là gây sự chú ý một cách rất không cần thiết.

Trang the Ridiculous cũng luôn phải dự trữ một nụ cười đáp lại, kèm lời giải thích: “Vâng, tại cháu/ em/ chị bị giật túi mấy lần, đâm ra cứ phải làm thế này cho nó an toàn đấy ạ”. Nghĩ cũng thấy bực mình. Đã biết xã hội Việt Nam là đồng phục cả chùm rồi, còn cứ lố bịch mà chi? Chẳng nhẽ lại hỏi lại: “Nhìn cái === gì mà nhìn? Chỉ là… một cái nắp đậy giỏ xe, có khóa thôi mà”.


Tôi nói vậy thôi, năm mới, tính cách mới, sẽ không lố bịch nữa. Sẽ giải tán sớm cái giỏ xe “quá cẩn thận”, sẽ không cầm cả cuốn sách dày đi ăn cưới… và quan trọng nhất là sẽ không để bị giật túi nữa.

No puedo encubrirlo

•December 21, 2008 • 4 Comments

Él es como el viento a través de mi árbol

Él cabalga la noche a mi lado,

me guía a través de la luz de la luna

sólo para quemarme con el sol.

Él ha tomado mi corazón

pero no sabe lo que ha hecho.

Siento su respiración en mi rostro,

su cuerpo cerca del mío;

no puedo mirarla a los ojos

Él está fuera de mi alcance

Él está mucho para mí.

Sólo soy un tonto al creer que

tengo todo lo que él necesita?

Él es como el viento.

Miro al espejo y todo lo que veo

es una mujer joven viejo con sólo un sueño.

Sólo me estoy auto engañando

que él parara el dolor?

Viviendo sin él,

me volveré loca.

Saigon, el diciembre de 2008

Entry for November 05, 2008

•November 5, 2008 • 18 Comments

Vài ngày trước khi Hà Nội ngập, Trang the Ridiculous có gặp một tỷ phú tiền Việt (không tiện nêu tên). Ông cằn nhằn:


– Cả nước đang khủng hoảng kinh tế như thế này cũng giống như lúc một gia đình gặp nguy khốn ấy, ông bố phải làm sao để các con yên tâm: “Các con ơi, yên chí, bố chúng mày giỏi lắm, tài lắm”. Đằng này đã khủng hoảng chết đi, lại tung ra cái chính sách “thắt chặt vòng ngực” (tức dự thảo “vòng ngực 72” của Bộ Y tế), quá bằng bảo: “Các con ơi, yên chí, bố chúng mày vẫn ngu như thường!”.


Trang the Ridiculous vội vã buông ngay một câu:

– Theo chú, liệu đây có phải một phép thử của chính quyền không ạ?


Nhà tỷ phú ngồi thẳng người dậy:

– Thử cái gì?

– Dạ, thử… thử xem sức chịu đựng của dân chúng đến đâu chẳng hạn. Nếu còn chịu được thì ta tiếp tục…


Ông bực bội:

– Thử thì cũng có phép thử khôn và phép thử ngu. Thiếu gì cách thử mà phải thử như thế vào thời điểm này?


Ba phóng viên ngồi nghe, cười rinh rích.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tôi nói đúng nhá: Chỉ vài ngày sau đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã xác nhận đợt lụt này ở Hà Nội là một cuộc “tổng diễn tập” cho tương lai. Trang the Ridiculous lấy thế làm khoái trá lắm. Xin bà con tha lỗi cho tiểu nhân đắc chí, hỏi đểu được một câu thì mừng rỡ đến ba ngày!


* * *


Sự khoái trá cuối cùng đã bẹp dí khi tôi nói chuyện với anh X. – nhân viên của cơ quan Y, là cơ quan có buổi họp quan trọng vào sáng 1/11 vừa qua. Anh X. bảo: “Em ơi em, họp tổng kết vấn đề tôn giáo gì đâu, trong lúc mưa ngập trời ngập đất thì ‘chúng nó’ ăn nhậu với nhau trong nhà ấy…”.


Chẳng hiểu sao cái bản mặt của tôi rất dễ làm người ta phun ra những điều không nên phun – có lẽ do trông nó ngu ngu. Nói xong anh X. nọ mới nhớ ra mình đang gặp một phóng viên, lập tức anh sợ hãi van nài: “Đừng đưa anh lên báo, đừng…”.


Tôi cũng sợ. Đưa lên báo làm gì cơ chứ? Ngay cả post lên blog như bây giờ, tôi cũng đã thấy chờn chợn. Thôi thì mong trên thương, dưới thương, bạn đọc thông cảm…


Hôm nay có chuyện chối quá nên viết cái entry này, có lẽ khi nào mình tỉnh ra sẽ dỡ bỏ.

“Trong đêm bé ngủ”

•November 2, 2008 • 13 Comments

Hà Nội mưa to như mùa hè, dài như mùa đông. Trời tối tăm, nhìn ra ngoài không biết sáng, trưa hay chiều nữa. Ngoài đường mênh mông nước là nước.


Không biết trong đêm 31/10 rạng sáng 1/11, bao nhiêu người đã ngủ lại cơ quan. Đọc blog Thảo quả thấy viết:

“Một đêm ngủ lại cơ quan, cảm giác bị cô lập hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. 3 tiếng ngủ chung với lũ chuột rinh rích, bụng đói, nằm đất bẩn thỉu, sáng ăn bánh mỳ trứng mặn chát còn trưa là suất cơm rang chán ngán chỉ đáng dành cho loài vật bốn chân… Với riêng tôi, lần đầu tiên tôi thật sự hiểu được thế nào là “sống chung với lũ””.


Buồn buồn, tôi nhớ lại những đêm năm xưa, khi còn rất nhỏ. Khu nhà tôi ở ngày ấy thường xuyên mất điện. Đêm đêm, ếch kêu uôm uôm dưới đầm, côn trùng rả rích, đom đóm lập lòe trên những hàng chuối, bụi duối gai tối đen. Đó là Hà Nội đấy, Hà Nội của những năm bao cấp.

Như nhiều đứa trẻ khác, tôi rất sợ ma. Nỗi sợ tăng thêm khi phải ngủ trong đêm mất điện, xòe tay không thấy rõ ngón. Nhìn ra cửa sổ, cả ngõ dài hun hút tối đen như mực. Có ngôi nhà bị cháy nham nhở, tường xám đen lại. Chủ nhà chết cháy đã lâu, không ai ở đó nữa. Có ngôi nhà hai vợ chồng bị tai nạn chết, con cái đến ở với ông bà, cũng không ai dám tới đó. Xa xa là những bụi tre, bụi chuối, duối gai, hàng cúc tần tối thẫm lại đầy ma quái.

Tôi sợ ma. Sợ kinh khủng. Đêm mất điện nằm ngủ, lúc nào tôi cũng cảm thấy lành lạnh sau lưng, hoặc nghe văng vẳng tiếng cười vọng lên từ dưới… gầm giường. Sợ đến cứng cả người mà không dám thò đầu xuống nhìn, sợ một bộ mặt và hàm răng trắng nhởn nào đó sẽ nhe ra cười với mình dưới đó. Rồi chuột. Chuột chạy huỳnh huỵch trên trần nhà. Rồi “tiếng còi tàu trong sương đêm” vọng về từ ga Giáp Bát, buồn như không âm thanh nào có thể buồn hơn thế. Đứa trẻ nào chẳng có nỗi kinh hãi – sợ ma, sợ chết, sợ ôtô v.v. Tôi cũng không là ngoại lệ.


Rồi có một đêm đông trước khi ngủ, tôi nhìn thấy bố tôi mặc áo len. Những tia lửa điện loe lóe từ áo. Tôi kinh hãi không sao tả được.

Đêm hôm sau, tôi lại nhìn thấy cảnh ấy. Tôi úp mặt xuống gối, tim đập thình thịch. Tôi không dám quay lại khi nghe bố hỏi:


– Con sao thế?

– …

– Con sợ gì à?

– Con nhìn thấy lửa ở áo bố… – Tôi nói mà hình như giọng lạc đi.


Bố tôi ngồi xuống bên giường. Tôi khó khăn lắm mới dám quay lại nhìn bố. Bố bắt đầu giải thích cho con. Là một giáo viên tự nhiên, chắc là bố đã nói với con như thể dạy cho học trò mình vậy. Cuối cùng chỉ nhớ bố cười bảo: “Con đừng sợ, đó là một hiện tượng vật lý. Khoa học giải thích rồi con ạ”.

Cũng có những lần tôi sợ ma đến không ngủ được, nhất là khi ban ngày vừa có đám ma, kèn trống rền rĩ bên nhà hàng xóm. 3h sáng, tôi mở mắt nhìn thao láo lên đình màn, thấy những nếp gấp rúm ró trên đó hiện thành những hình ảnh vô cùng khủng khiếp. Xung quanh im ắng ghê người.


Nhưng tôi lại nhớ đến những câu thơ bố hay đọc cho con nghe:

Trong đêm bé ngủ

Cây dâu ngoài bãi

Nảy những búp non

Con gà trong ổ

Đẻ trứng ấp con

Cây chuối cuối vườn

Nhắc hoa mở cánh

Ngôi sao lấp lánh

Sáng hạt sương rơi

Con cá quả mẹ

Ao khuya đớp mồi…


Đó là bài thơ “Trong đêm bé ngủ” của Phạm Hổ. Bài thơ dài lắm, đại khái trong đêm đứa trẻ ngủ thì còn rất nhiều cỏ cây đang lớn, hoa đang trổ bông, sao đang sáng, nhiều người đang lao động (anh công nhân canh máy, chị quét rác quét đường, cô giáo soạn giáo án chấm bài v.v.). Cả một thế giới vẫn đang vận hành chứ không phải tất cả đều là im ắng, chết chóc, ma quỷ như bóng đêm…

Trẻ con bây giờ liệu có thấy bài thơ này hay không? Tôi không biết, nhưng với tôi ngày ấy, nó như là một bài “kinh” để đuổi ma.


Bao nhiêu năm đã qua rồi. Bây giờ thì tôi chẳng còn sợ ma nữa, thậm chí nhiều lúc mong có ma để gặp mà chẳng được. Tôi thích môn vật lý, và luôn thích áp dụng vật lý vào việc chứng minh rằng không có ma. Ít nhất thì ma cũng không thể tạo ra tiếng động, bởi “sóng âm là sự dao động của những phần tử trong môi trường vật chất”… Như thế, ma (nếu có) là linh hồn, làm sao mà tạo ra âm thanh được.

Bây giờ tôi cũng không còn nhớ nổi câu nào của bài “Trong đêm bé ngủ” nữa. Những câu vừa chép ở trên là vài câu ít ỏi trích trong bài thơ, mà tôi cóp được từ trên mạng.

Tôi cũng không gặp tác giả bài thơ. Lần gần đây nhất tôi nhìn thấy Phạm Hổ là khi ông đang nằm trên giường bệnh với chiếc ống thở và đủ thứ ống truyền cắm trên tay. Ông không tỉnh, để tôi có thể đến bên giường trò chuyện và nhờ ông đọc c
ho tôi chép lại bài thơ mà tôi coi như “kinh đuổi ma” năm nào.

Bây giờ, nếu chúng ta ở cơ quan, đêm của chúng ta chắc là sẽ chỉ có đèn màn hình máy tính lập lòe, có tiếng u u của điện, có tiếng rèm đập vào cửa sổ nghe lạch xạch. Mà nhiều khi, vì nhiều chuyện, chúng ta còn chẳng có đêm.

Bây giờ, chẳng hiểu sao đọc entry của Thảo quả kể về đêm mưa nằm ở cơ quan, tôi lại nhớ đến những đêm năm xưa, nhớ bài thơ “Trong đêm bé ngủ” đến thế…

+++

Ai có nguyên văn bài thơ này thì làm ơn gửi cho Trang với. Xin cảm ơn.