Xứ sở không người

Sự cố bị chó tớp ở Thanh Hóa làm tôi nhớ lại những câu chuyện về chó hồi tôi còn nhỏ, trong khoảng thời gian gọi là “tuổi thơ dữ dội” của nhiều người trong chúng ta: thời bao cấp.


Ngày đó, có thể nhiều bạn vẫn còn nhớ, cứ vào mùa hè là hàng tốp công an, dân phòng, cán bộ tổ dân phố… mặc thường phục vào từng hộ để kiểm tra tình hình nuôi chó. Nếu chủ không xuất trình được giấy phép nuôi (hình như thế, tôi không nhớ rõ), thì chó sẽ bị tiêu diệt ngay. Do vậy mỗi kỳ kiểm tra là mỗi kỳ người ta hối hả lo “cứu chó”: Người cho chó vào làn, lót vải, đưa về quê trốn từ mấy ngày trước khi đoàn kiểm tra đến. Người rọ mõm, cho chó lên gác xép hoặc giấu sang nhà hàng xóm, đợi đoàn đi rồi lại đón cháu nó về. Không thể thiếu một vài đứa trẻ nấp sau tường cảnh giới, canh các cán bộ. Chúng chạy rầm rập đến từng gia đình để báo: “Bọn nó đến đấy, bọn nó đến đấy!”, thật chẳng khác gì Lỳ và Sáo ngày trước.


Năm ấy tôi học lớp 1. Tôi cũng là một trong những đứa trẻ như thế, và tôi nghe rất nhiều đoạn đối thoại mà đến giờ vẫn không thể quên được:

– Mẹ ơi, con Ki chết rồi mẹ ơi. Ở đây nhà mình cho nó ăn cơm, mang nó về quê, ông lại bắt nó ăn cám. Nó không chịu ăn, nó chết rồi mẹ ơiiiiiiii, hư… hư…

– Thì ông làm gì có thừa cơm mà cho nó ăn, con?

– Không phải, ông cố tình bắt nó ăn cám cho nó chết đấy. Con Mực nhà ông vẫn sống mà. Hư… hư… đ. biết đâu, đ. biết đâu… (lăn ra giãy đành đạch)


Có một lần đoàn kiểm tra kéo đến nhà một hàng xóm của tôi. Nhận được tin báo từ lũ trẻ trước đó khoảng 5 phút, gia đình này hớt hải cho chó vào làn, bọc vải, giấu lên gác xép. Các chú công an vào nhà kiểm tra, không thấy gì, đã định quay ra thì bỗng con chó sủa lên oăng oẳng. Sự việc bại lộ. Các chú thòng dây kéo cổ nó ra giữa sân tập thể.


Trần Đào Thu Lệ Hằng, con gái đầu của nhà này, hơn tôi một tuổi, da đen như nhọ chảo, tóc vàng cháy. Bố mẹ Hằng là dân lao động nhưng lại đặt cho con gái cái tên mỹ miều như vậy. Hằng thấy công an lôi con chó ra giữa sân thì òa lên khóc:

– Ối chú ơi, cháu xin chú… Cháu xin chú…

Những người làm nhiệm vụ im lặng không nói gì. Hằng quay sang mẹ – bà X. đứng trơ ra đó (mặt bà tái nhợt, có lẽ vì xấu hổ hơn là vì sợ) – khóc mếu: “Mẹ ơi, mẹ ơi…”.


Đột nhiên bà X. gầm lên: (xin lỗi mọi người, đoạn sau đây tôi trích đúng những gì còn nhớ được)

– Đcm. nhà chúng mày, chúng mày gạ tiền tao đ. được, chúng mày giết chó nhà tao. Đm. chúng mày cứ giết đi, con này đ. có tiền đâu mà cho. Đm. tao đã giấu chó đi rồi mà lộ, thế thì cho nó chết con m. nó đi…


Mấy chú công an mỉm cười hiền lành. Họ nắm dây cổ, lôi con chó đi xềnh xệch. Hằng túm áo một chú, khóc ầm ĩ:

– Cháu xin chú, chú ơi…

Chú công an nhẹ nhàng an ủi nó: “Có gì mà khóc, cháu”.

Bà X. vẫn gào xa xả:

– Đm. con Hằng đi vào nhà, việc đ. gì phải xin. Đm. thời buổi này thì chỉ có tiền, tiền, tiền thôi, có cái đ. gì khác đâu. Dúi cho nó ít tiền là xong. Đm. chúng nó gạ tiền nhà mình đ. được, nó giết chó nhà mình…


Các chú công an không trả lời. Trước mặt bà X., một số người lớn và khoảng hai chục đứa trẻ con, một người trong đoàn kiểm tra vung đòn gánh, quật đánh cốp vào đầu con chó. Một phát. Con chó sủa lên nhì nhằng. Cốp phát nữa. Không có máu. Chỉ thấy cái đầu của nó gục xuống, mắt dại đi, rồi nó rũ xuống mềm nhũn như bún, hai mắt vẫn mở. Hằng gào khóc thảm thiết, còn bà X. vẫn không ngớt chửi bới với lời lẽ cực kỳ tục tằn.


Một người tôi quên tên, làm nghề sửa xe đạp ban ngày kiêm câu trộm chó ban đêm, tủm tỉm cười, bước tới cầm hai chân sau con chó xách đi. Chỉ tối hôm ấy thôi chú cẩu sẽ được phân chia thành bảy món.

Đoàn kiểm tra rút dần. Đám trẻ con cũng tản ra, đứa nào về nhà đứa nấy.


Bây giờ đã hơn 20 năm qua, tôi vẫn nhớ Hà Nội những ngày ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi chuyện đó có còn xảy ra ở nơi nào không. Mà sao ngày đó Hà Nội lắm chó thế nhỉ, hình như đâu cũng có chó. Chó ta rồi chó tây. Chó vàng rồi chó mực. Chó béc-giê rồi chó phốc. Chó Nhật rồi chó Campuchia. Con nào cũng dữ. Tôi lớn lên giữa không biết bao nhiêu chó của các nhà hàng xóm, những Ki, Cún, Nu, Na, Tô, Tubi, Giôn, Gin, Bin, Riềng, Mẻ v.v. Lần đầu tiên bị chó cắn, tôi lì lợm không kêu, không khóc, lấy tay đẩy nó ra. Cho đến khi người chủ của con chó chạy tới giữ nó lại thì bụng và hai tay đã loe loét máu, tôi không đứng thẳng được, phải cố lê về nhà… và sốt… và mê sảng. Chó nhiều nên người bị cắn cũng lắm. Tôi nhớ cảnh hai bố con nhà nọ, đứa con bị chó d
ại cắn, lên cơn, vừa gào thét vừa cào cấu vừa cắn bố ngay giữa chợ. Bố thương con quá nên không chống đỡ, cứ để mặc. Người qua kẻ lại thì thầm với nhau rằng trước sau ông bố cũng lên cơn dại mà chết theo con thôi.

Câu chuyện của những ngày ấy còn xảy ra không? Tôi nghĩ là có, nhưng là với gà vịt. Bây giờ đang thời của H5N1 mà. Mỗi khi đọc báo, xem tivi thấy nói về chiến dịch diệt gia cầm, tôi lại nhớ tới phong trào phòng trừ chó dại ngày xưa. Con người bao giờ cũng là vốn quý nhất. Mạng người mới quan trọng, như gà, vịt, chó, quan trọng gì. Nhưng… sao tôi vẫn tự hỏi… có nơi nào như thế nữa không?

~ by trangridiculous on July 2, 2007.

9 Responses to “Xứ sở không người”

  1. vâng, em cũng thế ạ

  2. Hic, đọc đến dòng chú cẩu gục xuống mà em gai hết cả người.

  3. Đọc xong vừa thấy sợ lại thấy buồn. Tặng Trang một câu chuyện về chó, khi nào buồn thì đọc cho đỡ buòn nhé!
    Lòng tự trọng của chó
    (Truyện ngắn này (của Ngô Nhược Tăng- TQ, do Nguyễn Hải Hoàn dịch) thấy hay quá, đưa lên để bạn bè cùng chiêm nghiệm).

    Năm ấy tôi quen một huấn luyện viên dạy chó nghiệp vụ trong quân đội. Tôi hỏi anh: Loại chó thông minh nhất có thể đạt được tới trình độ như thế nào? Anh trả lời: Trừ chuyện không biết nói ra, chúng không khác gì người. Câu trả lời của anh khiến tôi sửng sốt. Tôi hỏi tiếp: Phải chăng câu này của anh có lẫn lộn nhiều màu sắc tình cảm? – Không đâu! Anh nói.
    Rồi anh kể cho tôi nghe dăm ba câu chuyện về loài chó, đều là những chuyện chính anh từng trải qua. Có mấy chuyện tôi đã quên mất rồi, duy chỉ có một chuyện sau đây thì cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in.
    Trong doanh trại của anh có một con chó cực kỳ thông minh tên là Đen. Để trắc nghiệm năng lực phản ứng của nó, một hôm mấy huấn luyện viên dạy chó nghĩ ra một biện pháp đặc biệt. Họ chọn hơn chục người xếp thành một hàng, sau đó cử một người trong số đó vào trong doanh trại “lấy cắp” một vật đem giấu đi, rồi lại trở về đứng trong hàng. Khi mọi việc đã xong xuôi, huấn luyện viên dạy chó dắt con Đen đến, bảo nó đi tìm vật bị mất. Con Đen chạy đi, chỉ một loáng sau đã thấy nó ngoạm vật kia mang đến. Huấn luyện viên dạy chó cả mừng vỗ vỗ lên đầu nó tỏ ý khen ngợi. Rồi anh chỉ tay vào hàng người kia, bảo con Đen đi tìm kẻ đã lấy cắp vật ấy. Nó chạy đến dí mũi hít hít ngửi ngửi hết người này đến người khác, chẳng mấy chốc đã cắn quần một anh lôi ra ngoài hàng, đúng là anh “kẻ cắp” kia.
    Phải nói rằng như vậy con Đen đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao, thế nhưng huấn luyện viên dạy chó lại cứ một mực lắc đầu bảo nó: Không, không phải người ấy! Tìm lại đi!
    Con Đen tỏ ý hết sức ngạc nhiên, mắt nó ánh lên nỗi nghi hoặc, thắc mắc, vì nó tin chắc rằng mình không hề tìm nhầm người; nhưng mặt khác nó lại tuyệt đối tin tưởng vào huấn luyện viên của mình. Đây, đây là chuyện thế nào nhỉ? – nó nghĩ. Không phải người ấy! Đi tìm lại đi! Huấn luyện viên cứ khăng khăng bảo. Con Đen tin vào huấn luyện viên, nó quay lại tìm… Nhưng sau nhiều lần thận trọng ngửi đi ngửi lại, cuối cùng nó vẫn cứ cắn quần anh chàng kia lôi ra. Không! Không đúng! Huấn luyện viên lại lắc đầu. Tìm lại đi!
    Con Đen mỗi lúc một thêm nghi hoặc, đành chạy lại chỗ hàng người kia. Lần này nó đánh hơi ngửi rất lâu, rất lâu để xác định ai là kẻ cắp. Sau cùng, nó đứng lại bên cạnh anh “kẻ cắp” kia rồi quay đầu nhìn huấn luyện viên, tỏ ý – tôi cảm thấy chính là người này đây… Không! Tuyệt đối không phải người ấy! Huấn luyện viên lại quát to, nét mặt trở nên nghiêm nghị.
    Lòng tự tin của con Đen bị đập tan tành. Dĩ nhiên nó tin vào huấn luyện viên hơn là tin vào bản thân nó. Rốt cuộc nó bỏ tên kẻ cắp kia và đi tìm người khác. Nhưng người khác… đều không đúng mà?
    Nó ở trong hàng người ấy đấy! Mau tìm ra ngay! Huấn luyện viên quát lên.
    Con Đen vô cùng thất vọng chán nản. Nó dừng lại bên chân mỗi người một lúc, nhìn nhìn ngó ngó xem người đó có giống tên kẻ cắp hay không, rồi quay đầu nhìn ánh mắt của huấn luyện viên, hy vọng có thể tìm thấy chút ít tín hiệu hoặc biểu thị gì đấy… Cuối cùng, khi nó nắm bắt được một chút xíu biến đổi trong ánh mắt của huấn luyện viên, nó cắn quần người đứng bên cạnh và kéo ra.
    Tất nhiên, lần này thì nó đã nhầm.
    Nhưng huấn luyện viên của nó cùng mấy người kia thì lại cười ha hả. Tiếng cười khiến con Đen trở nên lú lẫn. Sau cùng huấn luyện viên gọi “kẻ cắp” bước ra ngoài hàng, rồi bảo con Đen: Lần đầu mày tìm đúng rồi, nhưng mày sai ở chỗ không kiên trì mình đúng…
    Một điều khiến huấn luyện viên và tất cả mọi người có mặt lúc ấy không thể hiểu được và vô cùng kinh ngạc, vô cùng ân hận, là ngay trong khoảnh khắc ấy họ đã nhìn thấy: Khi con Đen hiểu ra chuyện vừa rồi là một vụ lừa dối, nó “ngoào” lên một tiếng vô cùng đau khổ, mắt ứa ra những giọt nước mắt nóng hổi. Sau đấy nó ủ rũ gục đầu nặng nề, thui thủi từng bước bỏ đi…
    Đen! Đen! Mày đi đâu thế hả? Huấn luyện viên sợ hãi đuổi theo hỏi tới tấp.
    Con Đen chẳng hề đoái hoài tới người rèn dạy nó, cứ cắm cúi đi ra khỏi doanh trại.
    Đen! Đen! Tao xin lỗi mày! Huấn luyện viên òa lên khóc.
    Nhưng con Đen chẳng hề xúc động, nó không thèm ngoái lại nhìn chủ mình.
    Đen! Đừng giận! Tao chỉ đùa mày một tí thôi mà! Huấn luyện viên chạy đến ôm chặt lấy con chó, nước mắt nóng hổi từ mặt anh lã chã rơi xuống con Đen.
    Con chó giãy giụa tuột ra khỏi vòng tay của huấn luyện viên, rồi nó thủng thẳng, lừ đừ từng bước đi lên quả đồi ở bên ngoài doanh trại, tìm một chỗ khuất gió xoài bốn chân nằm xuống đất.

    Mấy ngày sau đấy con Đen không ăn không uống, ủ rũ chán chường. Mặc cho huấn luyện viên dỗ dành, nựng nịu thế nào đi nữa, nó cũng nhất định không chịu tha lỗi cho anh.
    Lúc bấy giờ mọi người mới hiểu ra: Dù chỉ là con chó thôi, nó cũng cần sự tự trọng của mình!
    Hoặc nói ngược lại, chúng còn biết tự trọng hơn con người!

    Nguyễn Hải Hoàn (dịch)

  4. Cau tra loi la co!bat cu noi nao tren cai qua dat nay con ton tai su ngu si,giao dieu…deu co the dan den nhung cau chuyen thuong tam tuong tu .
    Anh la nguoi kha so Cho ! Khong ro co phai do cai Menh cua minh dang “nup bong” su gian manh chang 🙂 ? Nhung cho den gio phut nay,hoan canh nay…anh khong dam nuoi Cho hay Meo thi do khong phai la loi cua anh..

  5. Tính ra thì trong chuyện chị kể, mấy đứa trẻ cũng tội gần như chó :-?? May mà em chưa phải chứng kiến bao h, ko thì die mất. Gì chứ vụ H5N1 hay vải thiều gây ung thư thì cũng tương tự í ạ ^^

  6. Blog này làm e nhớ truyện Ba người khác của Tô Hoài 😀

  7. Văn nghe chua cay thế …

    NTH

    P/S: làm quen nhé.

  8. em thi thay doan chia lam 7 mon’ ma them` hihi ^^!

  9. thoi buoi nay cung nhu ngay xua thoi… co tien thi moi duoc viec 🙂

Leave a comment